Tối 7/8, Khánh Ly tổ chức buổi trà đàm về chủ đề Như một lời chia tay, đây cũng là tên live show của bà trong năm 2018.

Trước câu hỏi tại sao lại có cuộc chia tay này, Khánh Ly cho hay đó không phải là chia tay khi sức cùng lực kiệt hay đại khái như vậy. “Có thể ngày nay tôi gặp ai đó, ngày mai chúng ta đi xa không còn gặp nhau. Vậy khi nào gặp nhau, hãy chào nhau một tiếng, dù là chào tái ngộ hay tạm biệt, cũng là một câu chào. Để sau này nếu không gặp nhau nữa, chúng ta cũng không tiếc gì. Đó là ý nghĩ của tôi khi mượn ông Trịnh Công Sơn chủ đề như một lời chia tay này”- Khánh Ly tâm sự.

Nếu tính từ lần hát đầu tiên với ca khức “Thơ ngây” của Anh Việt năm lúc 9 tuổi (1954), đến bây giờ, ca sĩ Khánh  Ly đã có 64 năm ca hát liên tục và khắp năm châu bốn bể. Cuộc đời ca sĩ của bà là một cuộc đời đặc biệt. Suốt 64 năm ca hát như vậy, đã có bao nhiêu khán giả thưởng thức giọng hát của bà, chắc hẳn là phải tới triệu triệu người. Bởi thế, ngược lại với việc người nghe phải tạ ơn cho bà với giọng hát thiên phú đã đem lại cho cuộc đời nhiều cung bậc ưu ái, ố, hỷ nộ, thì bà cũng rất mong mỏi được nói lời tạ ơn triệu triệu người đã mến mộ giọng hát của bà với tất cả sự vô tư, hồn nhiên. Tuy nhiên, trong triệu triệu người nghe ấy có một người nghe đặc biệt và cũng chính vì nghe ra giọng hát của bà mà người ấy đã viết ra những ca khúc tình, như là chỉ để dành riêng cho giọng hát của bà. Người ấy chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Khi nghe giọng hát khánh Ly, ngay từ năm 1964 Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã trở thành bạn vong niên. Nhưng khi Trịnh Công sơn đề nghị bà về Sài Gòn cùng đi hát với ông, vì còn quá mê Đà Lạt mờ sương, Khánh Ly đã từ chối lời đề nghị đó. Xong định mệnh vẫn là định mệnh. Việc họ phải trở thành cặp bài trùng trong đời sống âm nhạc Việt Nam từ năm 1967 đến nay là việc như là ông trời đã sắp đặt. Cuộc gặp gỡ trở lại ở đường Lê Thánh Tôn – Sài Gòn năm 1967 giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã kéo thẳng Khánh Ly vào Quán Văn và tôn vinh bà là “Nữ hoàng chân đất”, “Nữ hoàng sân cỏ”. Từ đấy, Khánh Ly đã hát tất cả nỗi niềm Trịnh Công Sơn vang  khắp miền nam, vang ra năm châu bốn bể. Sau ngày 30/4/1975, giọng hát Khánh Ly lại tiếp tục vang ra toàn miền bắc qua băng “Sơn ca 7”. Còn chính bà thì lại hát tiếp trên đất Mỹ sau một cuộc di cư từ Sài Gòn, để rồi vài năm gần đây, lại quay về hát vang tại Việt Nam. Do đó, giữa triệu triệu người nghe, người mà Khánh Ly cần tạ ơn một lần chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Thần lực trong giọng hát Khánh Ly đã cho bà hát rõ mọi nỗi niềm mà Trịnh Công Sơn gửi vào từng nốt, từng chữ ở ca khúc. Bởi vậy, ai cũng biết giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn không có chuyện tình ái, nhưng nếu bảo họ chỉ là bạn bè thì ai cũng nghĩ đó phải là một cái tình sát gần hơn là tình bạn. Câu chuyện của họ cứ như câu chuyện liền anh, liền chị của miền quan họ. Rất thân thương nhau nhưng lại không thành tình ái. Hình như cái luật ấy, khiến các liền anh, liền chị trút hết cả cảm xúc vào giọng hát. Cái éo le đó chính là nguồn năng lượng tạo nên tầm vóc của cặp bài trùng huyền thoại này.

Khánh Ly từng nói: “Điều tôi cần trong đời sống này không phải là tiền, cũng chẳng phải là danh mà là tình thương”. Điều bà cần, đến nay bà đã có. Nhân dân và tổ quốc Việt Nam đã trao tình thương cho bà qua từng cảm nhận từ từng đêm diễn. Tiến trình hóa giải hận thù, hòa hợp dân tộc đã đưa bà trở về với đất nước mình trong tình thương yêu bao la của những người mến mộ. Hạnh phúc đó, cả bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng gửi trao cho nhau và đã được cả dân tộc gửi trao cho cả hai người. Bà có thể đi một mình trên phố Trịnh Công Sơn ở Hà Nội và hát “Tạ ơn” để bao khách đi bộ lắng nghe. Hát cho đến khi không thể hát được nữa. Hát để lời tạ ơn thấm mãi vào nhân gian.