Chắc hẳn không ít người rơi vào tình cảnh “ăn thì no, cho thì tiếc”, kết quả là nhồi nhét hàng đống thứ trong nhà. Nhưng nghiêm trọng hơn, có thể họ đã mắc bệnh tâm lý mang tên: “bệnh tích trữ”.

Đồ đạc trong nhà được chủ nhân tích nhiều dần theo thời gian, nhưng tích quá nhiều trong khi những đồ cũ, rách không chịu bỏ đi khiến mọi thứ hỗn độn. Giống như trường hợp của Stephanie Evans, 51 tuổi, trợ lý giảng dạy tại Birmingham, Anh. Bà cảm thấy không thể từ bỏ tất cả những đã mua. Kết quả là hành lang và phòng khách bị nhồi nhét bởi hàng đống chồng sách và tạp chí cao chót vót, phòng ngủ đầy ắp quần áo, rải rác khắp nơi chật kín tủ. Thậm chí, gần đây bà phải ra ghế sofa trong phòng khách để ngủ. Bà nói: “Tôi ghét cảnh hỗn độn này nhưng không thể vứt bỏ thứ gì đi. Khi tôi bước ra khỏi cửa không ai có thể đoán được tôi đang sống giữa một đống hỗn độn trong nhà. Thậm chí tôi sợ khi nghĩ đến cảnh phải quay trở lại căn hộ của mình vào cuối ngày”.

Theo các nhà khoa học, Stephanie bị mắc căn bệnh rối loạn tích trữ, đã và đang ảnh hưởng tới 3,4 triệu người chỉ tính riêng ở Anh. Tất nhiên, ít ai có thể nghĩ đó là một bệnh lý, nên không tìm tới sự giúp đỡ của các bác sỹ.

Trong thực tế, bệnh tích trữ là một kiểu rối loạn tâm lý mà theo WHO giống rối loạn tâm thần, được phân loại giống như các bệnh tâm thần khác như trầm cảm, lo âu xã hội, rối loạn tăng động thiếu chú ý (ADHD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), khi con người ta thường lặp lại một số hành vi hoặc suy nghĩ nhất định.

Người mắc rối loạn tích trữ thích mua và sở hữu nhiều đồ đạc nhưng rất khó khăn để ném chúng vào thùng rác, nhưng lưu trữ chúng bừa bãi, đến mức có thể cản trở cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tiến sĩ Stuart Whomsley, nhà tâm lý học lâm sàng của NHS, cho biết những người ảnh hưởng sẽ tiến hành thu thập bất cứ thứ gì như quần áo, báo chí, ảnh thậm chí cả các hóa đơn thanh toán… nhưng họ luôn tỏ ra lo sợ khi phải đưa ra quyết định từ bỏ thứ gì đó trong nhà, rất khó khăn trong việc lựa chọn vứt bỏ hoặc giữ lại.

Những người mắc bệnh tích trữ thường có tính cách cầu toàn, dễ bị chần chừ và có vấn đề về lập kế hoạch, tổ chức. Họ  thường là những người đã từng trải qua đau khổ, bị bế tắc trong cuộc sống, ly dị, bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Stephanie tin rằng căn bệnh tích trữ của bà bắt nguồn sau khi trải qua trầm cảm vì sinh con gái bị chấn thương não do thiếu oxy trong quá trình vượt cạn. Bà cho hay: “Tôi mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh và phải nhập viện trong vài tháng. Cuộc hôn nhân của tôi đổ vỡ sau 5 năm và chúng tôi chuyển đến sống trong một căn hộ khác, nơi tôi mắc bệnh tích trữ. Tôi có rất nhiều quần áo, giống hệt nhau, thậm chí nhiều chiếc tôi chưa từng mặc. Tôi cảm thấy xấu hổ vì tích trữ đồ linh tinh nhưng không thể dừng lại và cuộc sống đang dần bị cô lập”.

Tiến sĩ Cosmo Hallstrom của trường Imperial College Medical School cho hay nếu bệnh tích trữ được chuẩn đoán sớm có thể dễ dàng điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ thường xuyên cảm thấy không hài lòng khi mua thứ gì đó và tiếp tục muốn mua thứ khác nhưng lại gần tương tự. Gánh nặng này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống bởi ngôi nhà ngổn ngang cũng chính là biểu hiện cho cuộc sống bế tắc của họ.

Theo Sống Mới