Hầu hết cha mẹ cho rằng các con mình đang hấp thụ quá nhiều màn hình điện tử. Các con cũng nghĩ như vậy.

Điện thoại đang tàn phá cuộc sống của teen: 95% người Mỹ tuổi từ 13-17 có smartphone hoặc được sử dụng điện thoại. Gần một nửa cho biết họ vào mạng “gần như liên tục”.

Nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự hưởng thụ. Theo khảo sát Trung tâm nghiên cứu Pew, không chỉ phụ huỵnh mà cả thanh thiếu niên cũng cho rằng mình đang sống quá phụ thuộc vào thiết bị di động. 54% trong khoảng 750 người tuổi từ 13-17 được khảo sát cho biết họ dành quá nhiều thời gian cho chiếc điện thoại, 65% phụ huynh cũng có quan điểm tương tự với việc sử dụng điện thoại của con mình.

Chuyên gia nghiên cứu về hành vi trẻ em Vicky Rideout nói với The Atlantic rằng bà không ngạc nhiên với kết quả khảo sát này, và không chỉ thanh thiếu niên mới “nghiện” smartphone. “Chúng ta đang sống trong môi trường mà công nghệ được thiết kế để thu hút sự chú ý càng nhiều càng tốt.”

Nhìn chung, cả cha mẹ và con cái đều cảm giác được điện thoại đang quá lần chiếm thời gian tương tác hàng ngày, nhưng chính “người lớn” lại không đủ nhìn thẳng vào sự thật. So với sự thẳng thắn của các con, chỉ có 36% cha mẹ trong khảo sát của Pew thừa nhận rằng mình quá dán mắt vào điện thoại, nhưng có tới 72% phụ huynh phàn nàn những đứa con tuổi teen của mình “đôi khi” hoặc “thường xuyên” bị phân tâm bởi điện thoại. Thú vị là, khoảng 50% thiếu niên lại cảm thấy cha mẹ “yêu” điện thoại còn hơn yêu mình. Các cuộc nghiên cứu khác đã chứng minh cảm giác của các con là đúng. Cha mẹ ngày này có xu hướng giao con cho “bảo mẫu” điện thoại nhiều hơn để chúng ngoan ngoãn ăn cơm hay để bản thân mình có thời gian làm việc khác.

Hay nói cách khác, cả hai phía đều đang tự tách mình thành những ốc đảo riêng với chiếc điện thoại. Nhưng một điều không thể phủ nhận là: cách cha mẹ tương tác với công nghệ định hình cách họ tương tác với con cái, và cũng định hình cách con cái tương tác với công nghệ. Dù sao, trẻ nhỏ cũng chỉ là tờ giấy trắng cho đến khi người lớn “in” đủ thứ lên tâm trí và hình thành thói quen cho chúng. Theo Rideout, nếu cha mẹ làm gương sử dụng điện thoại điều độ thì trẻ nhỏ cũng sẽ học được cách tự kiểm soát thời gian dùng điện thoại của mình tốt hơn.

Vấn đề là, nỗ lực cá nhân chống lại sự quyến rũ của công nghệ là chưa đủ để “cai nghiện”. Trước áp lực xã hội, gần đây, các công ty công nghệ cũng bắt đầu sử dụng một số biện pháp để hạn chế thời gian con người “kết nối” hơn. Google và Amazon cung cấp cho cha mẹ phần mềm cho phép họ hạn chế quyền truy cập của trẻ vào các ứng dụng hoặc một số hoạt động nhất định và thiết lập giới hạn mức sử dụng thiết bị. Apple cũng chuẩn bị có động thái tương tự. Điều này đặt các công ty công nghệ ở vị trí kỳ lạ: một mặt, cố gắng tạo ra những sản phẩm hấp dẫn nhất có thể, nhưng mặt khác cũng phải hạn chế khách hàng sử dụng dịch vụ của họ nhiều nhất có thể.

Nhưng liệu “vừa đánh trống vừa thổi còi” có mang lại hiệu quả? Ngay cả chuyên gia dường như cũng không quá dám chắc chắn. Rideout cho rằng “cai nghiện” điện thoại là nỗ lực của cả ba phía: cha mẹ, con cái và doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẵn sàng thể hiện tính xã hội của mình để thu hút được khách hàng hơn, còn cha mẹ và con cái khi nhận thức được điện thoại đã thay đổi kết cấu gia đình mình, thì họ sẽ nỗ lực thay đổi hơn.

Theo Sống Mới