Người ta thường chỉ hay thấy tinh dầu được đốt lên giúp tinh thần thư giãn. Nhưng chúng còn có tác dụng massage trực tiếp lên da khi được pha loãng. Tùy mỗi vùng cơ thể mà chúng ta sử dụng các loại tinh dầu cho phù hợp, giúp gảim các cơn đau cho cảm giác dễ chịu. ​

Chúng ta dùng tinh dầu không chỉ để thư giãn với hương thơm của nó mà còn có thể sử dụng tinh dầu để chữa bệnh. Thành phần trong tinh dầu bao gồm nhiều hợp chất đa dạng, có thể giúp giảm đau, chống viêm nhiễm, chống co thắt… Dù mỗi lọ tinh dầu chỉ chứa khoảng 5ml hay 10 ml hoặc hơn thế, nhưng đừng vội coi thường những chai tinh dầu dung tích nhỏ. Thực chất các loại tinh dầu thường rất mạnh. Nhiều loại được cô đặc từ hơn 50 đến 100 lần so với cây tự nhiên.

Nhìn có vẻ đơn giản, thế nhưng việc sử dụng tinh dầu để thư giãn và chữa bệnh không dễ dàng như bạn tưởng. Sự an toàn luôn được ưu tiên hàng đầu. Mỗi người đều có những kết nối, phản ứng, sự phối hợp khác nhau trong quá trình sử dụng tinh dầu. Một số loại dầu như cam, quýt ép lạnh có độc tính. Một số tinh dầu khác có thể gây tổn thương làn da cho những ai quá nhạy cảm, nhất là khi sử dụng tinh dầu pha loãng không đúng cách hoặc sử dụng quá thường xuyên ở liều lượng cao. Hai loại tinh dầu có thể được dùng trực tiếp là tinh dầu trà và tinh dầu oải hương, tuy nhiên chỉ dùng trên da người lớn. Phần lớn các loại tinh dầu khác khi tiếp xúc với da cần phải pha loãng với dầu dẫn.

Mỗi bộ phận trên cơ thể đều có độ nhạy cảm riêng. Cách sử dụng tinh dầu ở từng vị trí cũng có nhiều điều khác biệt. Dưới đây, chúng ta hãy cùng nhau khám phá các phương pháp hay nhất áp dụng tinh dầu lên các bộ phận trên cơ thể một cách an toàn nhất từ đầu đến chân.

Áp dụng tinh dầu lên vùng đầu

Bạn có bao giờ dùng vai và đầu để giữ điện thoại trong lúc nói chuyện? Bạn có bao giờ trải qua một cơn đau dữ dội từ bên trong đầu mà rất khó mô tả? 4 cơ ở sâu mặt sau hộp sọ, các cơ bên dưới giúp đầu quay và nghiêng được về mọi phía đều có thể bị tổn thương, đau mỏi khiến đầu óc có lúc căng thẳng, mỏi mệt, đau đớn. Kích thích các cơ này giúp bạn giải phóng những căng thẳng về cảm xúc, đồng thời sẽ làm giảm các cơn đau nửa đầu, đau các khớp thái dương…

Cách sử dụng tinh dầu cho vùng đầu: Tinh dầu khá an toàn trên vùng da và tóc ở đầu. Nhưng đôi khi làn da quá nhạy cảm, chúng ta vẫn phải pha loãng tinh dầu từ 1 đến 2,5%. Rose marry (hương thảo) là loại tinh dầu có thể dùng được trong các hỗn hợp thành phần massage da đầu. Rỏ 10 giọt hương thảo hòa cùng dầu dẫn để massage vùng tóc dầy. Với người có tóc mỏng hơn, bạn có thể dùng dầu hạt lựu thay thế. Massage vùng đầu với tinh dầu cần tập trung vào các vùng đốt sống, hộp sọ và để tinh dầu ngấm trong tóc và đầu khoảng 1 giờ. Sau đó, tinh dầu có thể bám dính chặt ở vùng tóc bạn.

Áp dụng tinh dầu lên vùng mặt

Tinh dầu là lựa chọn tuyệt vời với các thành phần tự nhiên được tìm thấy trong nhiều sản phẩm làm đẹp. Vì vùng da mặt khá nhạy cảm nên luôn yêu cầu được chăm sóc nhẹ nhàng, dịu dàng. Khi áp dụng tinh dầu lên vùng mặt, chúng ta cần pha loãng tuyệt đối. Với làn da nhạy cảm, ta có thể sử dụng 4 giọt tinh dầu nguyên chất pha loãng với khoảng 30 ml dầu dẫn. Với làn da bớt nhạy cảm hơn, ta có thể cho tới 10 giọt tinh dầu pha với 30ml dầu dẫn.

Áp dụng tinh dầu lên vùng ngực

Tinh dầu rất hữu dụng trong quá trình chiến đấu với cảm lạnh, đặc biệt là tinh dầu bạch đàn, bao gồm nhiều đặc tính chống viêm, chống co thắt, chống kích động, giúp thông mũi, giảm chất nhày trong mũi…

Khi bị cảm lạnh, chúng ta thường bị ho, đau họng và chảy nước mũi. Tinh dầu trà và bạch đàn rất thích hợp để dùng trong trường hợp này.

Một số loại tinh dầu kết hợp với dầu dẫn có thể được xoa lên vùng ngực khi đối phó với cảm lạnh, viêm nhiễm. Bạch đàn, sáp ong cùng một số loại tinh dầu nóng khác có thể sử dụng ngay vào lúc khởi bệnh, đồng thời dùng luôn trong quá trình bị ho, nhiễm lạnh, cảm cúm.

Áp dụng tinh dầu lên vùng bàn tay và cánh tay

Một số hoạt động ở cơ quan mỗi ngày như đánh máy, ngồi quá lâu một chỗ làm gia tăng các bệnh về dây thần kinh, gây ra hội chứng ống cổ tay khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cánh tay và bàn tay.

Một số loại tinh dầu có thành phần chống viêm và giảm đau như tinh dầu cúc la mã, tinh dầu trắc bách diệp, tinh dầu chi cúc… có thể được sử dụng để massage cho vùng tay hoặc cánh tay. Có thể pha loãng hỗn hợp các giọt tinh dầu này (mỗi loại khoảng 8 giọt) với khoảng 25ml dầu dẫn để massage, giúp vùng cánh tay được nghỉ ngơi, thư giãn.

Áp dụng tinh dầu lên các điểm gấp trên cơ thể

Một số điểm gấp trên cơ thể như khuỷu tay, đầu gối, cổ tay, vùng cổ, vùng sau tai có khả năng khuếch tán mùi hương. Sử dụng tinh dầu tại các điểm nhạy cảm này có nhiều tác dụng tích cực đến tâm trạng. Trước giờ đi ngủ, bạn có thể sử dụng một số hỗn hợp tinh dầu xoa lên vùng cổ tay, vùng cổ để giấc ngủ đến với bạn tốt hơn.

Gợi ý: Có thể sử dụng 12 giọt tinh dầu oải hương, 2 giọt tinh dầu cỏ hương bài trộn với 30ml dầu dẫn (có thể sử dụng dầu em bé, dầu hướng dương…). Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo ra hỗn hợp tinh dầu mình yêu thích để thoa lên các vùng gấp trên cơ thể, giúp bạn thư giãn và có giấc ngủ sâu hơn.

Áp dụng tinh dầu lên vùng bụng

Bụng luôn bận rộn trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Nhiều loại tinh dầu như cây xô thơm, gừng có thể làm giảm bớt chứng khó tiêu, đau bụng kinh và táo bón. Xô thơm là chất chống viêm đã được chứng minh giúp giảm đau. Gừng có tác dụng hiệu quả với hệ tiêu hóa, giảm táo bón, tiêu chảy, buồn nôn sau khi phẫu thuật…

Dùng 20 giọt xô thơm và 10 giọt gừng pha loãng với 30 ml dầu dẫn. Xoa nhẹ dung dịch này ở vùng bụng dưới, vùng dạ dày khi đau bụng hoặc những cơn chuột rút.

Áp dụng tinh dầu lên vùng chân

Chân là phần trụ vững chãi của cơ thể. Sử dụng tinh dầu ở vùng chân có thể pha đặc hơn so với việc sử dụng tinh dầu ở các vùng khác trên cơ thể.

Dùng 13 giọt tinh dầu Marjoram (một loại rau gia vị châu Âu, đã được chiết xuất thành tinh dầu), 10 giọt tinh dầu sả hoa hồng, 3 giọt tinh dầu hoa cam pha loãng với 30 ml dầu dẫn. Dung dịch này có thể được dùng để xoa bóp các cơ vùng cẳng chân, giúp chân được nghỉ ngơi, trẻ hóa cơ bắp. Dung dịch này cũng có thể thay thế cho dầu dưỡng ẩm cho chân. Nếu chân bị đau nhức, bạn có thể hòa thêm một vài giọt tinh dầu hoa cúc trong dung dịch để cơn đau dịu lại.

Áp dụng lên vùng bàn chân

Sử dụng tinh dầu nóng lên gan bàn chân có thể làm ấm cơ thể. Ngoài ra nếu bạn bị muỗi đốt hay côn trùng cắn ở chân hay vùng mắt cá chân, bạn có thể dùng 1 đến 2 giọt tinh dầu nguyên chất không cần pha loãng bôi trực tiếp lên vùng này (lưu ý vùng da chân không có vết thương hở). Một số loại tinh dầu giảm ngứa có thể kể đến như tinh dầu sả, trà, oải hương.

Theo Sống Mới