Trên thực tế, một quy trình chăm sóc da hoàn thiện khi có các bước dưỡng da bao gồm toner-essence-serum-lotion-kem dưỡng. Tuy nhiên, đối với những làn da đang gặp vấn đề hoặc da lão hóa thì việc tiếp nhận các sản phẩm chăm sóc da không thực sự mang lại hiệu quả cao. Nghĩa là khả năng hấp thu dưỡng chất bị hạn chế. Đây cũng là lý do Booster – dưỡng chất tăng cường được ra đời và chiếm vai trò quan trọng trong cả chu trình Skincare.

Hiểu rõ hơn về Booster:

Bạn có thể xem Booster là Pre-serum hoặc Pre-essence. Đối với một số người, Booster sẽ là sản phẩm dưỡng da hỗ trợ cho các sản phẩm như serum, essence hay kem dưỡng. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, Booster còn có khả năng “khuếch tán” các hoạt chất dưỡng da bạn đang sử dụng và bổ sung thêm vào chu trình Skincare những hoạt chất da đang thiếu.

Booster có nhiều loại và thành phần khác nhau tùy theo nhu cầu của người sử dụng. Chẳng hạn Booster chứa vitamin C sẽ giúp lọ kem dưỡng da của bạn trở nên hoàn hảo hơn hoặc bạn muốn thêm thành phần hyaluronic Acid vào serum nhưng không muốn thay đổi chu trình Skincare hiện tại thì Booster chứa hyaluronic Acid là sự lựa chọn tốt nhất.

Như vậy Booster có thể xem là “viên thuốc bổ” dành cho da và cho những ai muốn thúc đẩy sự hoạt động tối đa của các loại serum, essence thì nên đưa Booster vào chu trình dưỡng da khép kín.

Ngoài ra, nếu da bạn đang gặp tổn thương hoặc có dấu hiệu lão hóa và các sản phẩm dưỡng da thông thường không mang lại kết quả như bạn mong muốn. lời khuyên lúc này là thêm chất xúc tác – Booster đúng cách và đúng nồng độ.

Vậy sử dụng Booster như thế nào?

Booster được thêm vào như sau: Toner-AHA/BHA-Booster-Serum-…-Kem dưỡng.

Đây chính là quy trình dưỡng da cơ bản. Thế nhưng ở những khu vực, vùng miền khác nhau, các sản phẩm dưỡng da đôi khi lại có cách gọi và chức năng không giống nhau. Chẳng hạn, tại Nhật Bản người ta thường gọi toner là Lotion. Ngoài ra, nếu Toner có chức năng làm sạch da (như các loại Toner sản xuất tại châu Âu) thì Booster nên dùng sau, nhưng Toner có khả năng dưỡng ẩm, cấp nước thì Booster cần dùng trước để hỗ trợ chức năng này của Toner.

Để Booster có thể làm tốt nhiệm vụ của mình thì sau khi bôi Booster lên da, bạn cần thoa tiếp các bước dưỡng ngay lập tức. Đừng để quá lâu, bởi Booster khi đứng một mình sẽ không có nhiều tác dụng đối với làn da. Như vậy sẽ rất phí phạm và tốn kém.

Tuy Booster có chức năng đặc biệt nêu trên, nhưng nếu da bạn khỏe và có khả năng tái tạo, phục hồi tốt thì không nhất thiết phải thêm Booster vào chu trình chăm sóc da. Còn nếu bạn muốn đẩy nhanh quá trình phục hồi da, hay da bạn lão hóa, nhạy cảm không đủ khả năng hấp thu dưỡng chất thì cần đến sự hỗ trợ đắc lực của Booster. Nên lưu ý, nếu bạn đã có một serum vitamin C nồng độ cao thì không nên chọn Booster có chứa Vitamin C, thay vào đó nên chọn Booster có chức năng như cấp nước, cấp ẩm, chống lão hóa để bổ trợ cho serum.

Hàng năm, các sản phẩm chăm sóc da cho ra đời rất nhiều dòng sản phẩm mới và các bước dưỡng da mới. Tuy nhiên, không nhất thiết phải chạy theo các trào lưu này, chỉ cần da bạn khỏe và hợp với chu trình Skincare hiện tại thì chưa nhất thiết phải đổi mới chúng. Đây là điều bạn cần ghi nhớ để không phải tốn quá nhiều tiền cho công cuộc chăm sóc làn da.

Theo Sống Mới