Ước muốn có được cặp mắt hai mí có chứa đựng những ngụ ý về chủng tộc và giai cấp cầm quyền?

Có nhiều giả định về lý do đằng sau quyết định phẫu thuật cắt mí để có được đôi mắt hai mí to tròn. Một trong số những giả định đó là: họ muốn mình trông “Tây” hơn. Tại sao một người muốn có mắt hai mí? Câu hỏi này thường được đặt ra với phụ nữ Đông Á, đi kèm với thái độ cạnh khóe. Tiêu chuẩn vẻ đẹp con người vừa mang tính riêng tư, vừa phụ thuộc vào quan niệm về chủng tộc và vị thế. Chúng ta đưa ra những tiêu chuẩn đó rồi phán xét những người cố gắng đạt được chúng. Tuy nhiên, những người không quan tâm đến tiêu chuẩn của xã hội cũng chẳng được để yên. Phẫu thuật tạo mắt hai mí còn tồn tại là bởi vì những người có mắt một mí vẫn phải đối mặt với câu hỏi: “Sao bạn không đi cắt mí đi?”

mắt hai mí sohee

Ảnh: Fanpop

Câu chuyện còn phức tạp hơn bởi những tiêu chuẩn giành cho từng giới. Dù đàn ông đôi khi cũng tìm đến phẫu thuật cắt mắt, phụ nữ lại thường cảm thấy áp lực phải thanh minh cho quyết định của mình hơn. Xã hội đặt áp lực phải xinh đẹp lên vai phụ nữ, nhưng khi họ tìm mọi cách để được chấp nhận, họ lại bị phê phán vì chính nỗ lực này.

Hơn 50% phụ nữ châu Á và Đông Nam Á sinh ra với cặp mắt một mí hoặc mí lót. Blepharoplasty, hay phẫu thuật tạo mắt hai mí, là quy trình phổ biến nhất ở châu Á, và phổ biến thứ ba toàn thế giới (sau phẫu thuật tăng kích thước ngực và hút mỡ). Quy trình này bắt nguồn từ Hàn Quốc và Nhật Bản, rồi sau đó lan sang phương Tây.

mắt hai mí (1)

Ảnh: Eva

TRỞ NÊN XINH ĐẸP HƠN

Ye-Kyung Song, lớn lên ở Houston, Mỹ, thực hiện phẫu thuật khi cô 17 tuổi. Cô cảm thấy nhiều điều mình nghe được khi còn nhỏ đã khắc sâu vào tâm trí mình. Bạn bè người da trắng và Mỹ La-tinh thường trêu chọc đôi mắt một mí của cô. Ở nhà, mẹ cô cũng từng thực hiện quy trình này khi bà ở độ tuổi 20. Đối với cô, điều này không phải là một vấn đề to tát. Trước khi phẫu thuật, cô từng thử nghiệm với băng và keo dán mí, và thích vẻ ngoài của mình với mắt hai mí hơn.

mắt hai mí pt

Ảnh: Eva

Cô cho rằng mình trông vẫn rất giống người Á Đông, rằng đôi mắt không thay đổi toàn bộ cấu trúc gương mặt mình.

Nhiều bạn gái nói rằng họ không thực sự ghét cặp mắt một mí hay mí lót của mình. Tuy nhiên, mắt hai mí giúp họ có thể thử nghiệm với nhiều kiểu trang điểm khác nhau dễ dàng hơn, như đánh mắt khói hoặc kẻ mắt mèo.

KHÔNG CHỈ LÀ THẨM MỸ

Đôi khi, động lực phẫu thuật cắt mí không phải là thẩm mỹ. Chứng sa mi mắt (ptosis) là tình trạng bệnh lý khi mí trên của một hay hai mắt sụp xuống, che khuất tầm nhìn của mắt. Trong trường hợp này, phẫu thuật cắt mí sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Một tình trạng khác đòi hỏi phẫu thuật cắt mí là khi vị trí của mí làm cho lông mi chọc vào giác mạc, làm mắt ngứa ngáy và nhiễm trùng.

ĐẸP HƠN, HAY “TÂY” HƠN?

Bác sĩ Laura Phan (Los Angeles, Mỹ) chỉ ra rằng: “Người ta không muốn mắt to như người da trắng. Họ chỉ muốn mắt mình to hơn một chút, duy trì đường nét của mình, những nét đặc trưng của người châu Á”.

Bác sĩ Robert Flowers, một trong những người phổ biến phẫu thuật cắt mí tại Mỹ, cho rằng người châu Á không muốn mình “Tây” hơn, họ chỉ muốn trở thành “người châu Á xinh đẹp” hơn mà thôi.

mắt hai mí (7)

Ảnh: Fanpop

Tuy nhiên, bác sĩ Joanne Rondilla, giảng viên Đại học Bang Arizona, cho rằng vấn đề phức tạp hơn thế. Cô nói: “Bạn thường nghe rằng người ta muốn trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn của bản thân. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Ai nói rằng bạn bây giờ là khiếm khuyết?”

Rondilla cho rằng “người châu Á xinh đẹp” là những người xinh đẹp theo tiêu chuẩn phương Tây. Họ ở một tầng lớp khác, một tầng lớp cao hơn.

An Na, tác giả cuốn sách The Fold (Nếp gấp) nói về tiêu chuẩn đôi mắt đẹp, nói: “Bạn không thể tạo ra tiêu chuẩn mà không xác định ai đang nắm quyền lực. Tôi nghĩ rằng mong muốn có cặp mắt to hơn đến từ cảm giác muốn bắt chước những người ở vị thế cao hơn trong xã hội, những người kiểm soát truyền thông, và những người kiểm soát kết cấu của một chủng tộc”.

MỘT TIÊU CHUẨN KHÁC?

Nhiều người cho rằng thật không công bằng khi nói tiêu chuẩn cái đẹp của người châu Á đuổi theo vẻ ngoài của người da trắng. Có những xu hướng thẩm mỹ ở Phương Tây như nhuộm da, nhuộm tóc, tạo khối gương mặt… được chấp nhận mà không làm dấy lên câu hỏi về động cơ sâu sắc hơn. Nhưng khái niệm về tiêu chuẩn cái đẹp ở phương Đông lại bị chất vấn về mọi phương diện. Tất cả những điều chỉnh ngoại hình đi xa khỏi vẻ ngoài điển hình của phụ nữ Á Đông đều bị coi là sự hiểu sai có chủ đích hoặc nỗ lực che giấu nhân dạng bản thân. Bên cạnh đó, những chất vấn trên cũng cho thấy khái niệm hẹp hòi về vẻ ngoài của người Caucasian – tóc vàng, mắt xanh, da trắng.

mắt hai mí (5)

Ảnh: Getty Images

Mỗi người nhìn vào thế giới xung quanh – bạn bè, người mẫu, công việc mơ ước, ý trung nhân – và quyết định vẻ ngoài ta mong muốn sở hữu, những gì ta muốn thay đổi về bản thân mình. Chủng tộc, giai cấp và quyền lực là những yếu tố quyết định không chỉ cách hình thành tiêu chuẩn cái đẹp, mà còn những tiêu chuẩn nào bị chất vấn, những thay đổi nào làm dấy lên câu hỏi: “Tại sao?”

Theo Elle