Gần 20 năm trong nghề, nghệ nhân phun xăm Anh Tú được biết đến là người đam mê không ngừng nghỉ và đã có những đóng góp không nhỏ với sự phát triển loại hình nghệ thuật này.

Nghệ nhân Anh Tú tên thật là Trương Quang Anh Tú vốn không còn là cái tên xa lạ gì trong giới phun xăm thẩm mỹ trong nước. Anh Tú đã theo đuổi ngành xăm hình nghệ thuật gần 20 năm nay. Năm 2010 anh chính thức nhận chứng chỉ Đào tạo Xăm nghệ thuật chuyên sâu của Hội Mỹ thuật TP.HCM. Cũng năm đó, anh thành lập nhóm Saigon Tattoo Group.

Hiện nay, Anh Tú là Thành viên chủ chốt của Liên Hiệp hội ngành Xăm Nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ nhiệm và giảng Xăm hình Nghệ thuật tại Trường Trung Cấp Y Tế Trung Ương.

Nghệ nhân xăm Anh Tú

Ngoài ra, hầu như các sự kiện liên quan tới bộ môn xăm hình tại Việt Nam đều có tên của anh Anh Tú. Anh từng là thành viên BTC Lễ hội Tattoo Convention 1st vào năm 2011, Thành viên Ban Giám Khảo danh dự Vietnam Tattoo Convention năm 2016, là Master đầu tiên tại Việt Nam giảng dạy bộ môn Scalp Tattoo Pigmentation – Phun vi chạm tạo gốc tóc hói + Điêu khắc tóc 3D theo công nghệ độc quyền từ Châu Âu…

Niềm đam mê với nghệ thuật xăm hình thẩm mỹ của Anh Tú đã khiến rất nhiều người nể phục. Nghệ nhân Anh Tú đã có cuộc trò chuyện cùng chúng tôi về chuyện nghề của mình.

-Lý do gì anh lại theo đuổi nghệ thuật xăm hình?

Từ hồi thanh niên, tôi đã bắt đầu biết đến môn nghệ thuật này. Tôi vốn là người có đam mê tìm tòi nên đã thử nghiên cứu và biết đến những kỹ thuật thủ công để tạo kim tay. Lúc đó tôi không nghĩ mình sẽ theo nghề. Nhưng khi lớn hơn, tôi tìm hiểu sau nhiều hơn và thử vẽ, lúc đầu là vẽ chơi họa chơi nhưng dần dần kêu gọi bạn bè sử dụng dịch vụ thì biết tới kim mực. Tôi chính thức bước vào nghề từ đó, năm 1999.

Anh Tú theo đuổi nghề xăm đã gần 20 năm

-Những năm đó, công nghệ chưa phát triển, anh đã làm hoàn toàn thủ công mất bao lâu?

Tôi làm bằng tay trong 2-3 năm. Rồi công nghệ thẩm mỹ xuất hiện và có nhiều loại máy móc hỗ trợ. Tôi từng dùng kim đít vàng để may quần áo, cắt ngắn nó đi và tạo thành cây kim xăm để tạo hình body, sau đó mới chuyển qua làm máy. Từ đó tới nay tôi đã sử dụng rất nhiều loại máy.

-Anh theo nghề từ khi còn rất trẻ như vậy, liệu có ai phản đối không?

21 tuổi tôi đã vào nghề, theo thời gian, tôi không còn nghĩ đó là nghề nữa mà chính là đam mê của mình. Trong gia đình tôi, mẹ là giáo viên, hồi đầu mẹ không thực sự ủng hộ tôi. Mẹ bảo, tôi nên chọn nghề nào chân chính, cái nghề này vẽ mực lên người có vẻ không hay lắm.

-Anh có thể chia sẻ thêm về góc khuất phía sau nghề. Bởi những người làm nghề này thường có sự khác biệt. Anh làm thế nào để thay đổi định kiến về nghề xăm, về những người thích xăm?

Trong thời gian đầu, tôi chỉ nghĩ đó là 1 thú vui của mình, có chăng đam mê chút chút thôi chứ không có ý định theo nghề. Sau đó mình học hỏi, vượt qua những khó khăn thì tôi mong muốn nghề được phát triển ở Việt Nam. Thời gian trước, cuộc sống các anh em trong nghề đều vất vả vì xã hội chưa chấp nhận nghề xăm. Cứ tụ họp là công an mời về phường, họ cho rằng chúng tôi gây rối trật tự. Tuy vậy, tôi vẫn quyết tâm đi học nghề. Nói là đi học nước ngoài nhưng vất vả lắm, mang mì gói theo ăn, đi tàu điện ngầm.

Có những lúc, tôi cũng nghĩ tại sao xã hội lại định kiến với những người có hình xăm? Người mang hình xăm không xấu, nhưng những người xấu thường sẽ có hình xăm. Có phải vậy mà định kiến trở nên sâu sắc? Tôi mong muốn cải thiện suy nghĩ đó. Tôi là người có hình xăm và là thợ xăm mang chất nghệ sĩ.

– Có lẽ chăng nên gọi những người làm nghề xăm hình nghệ thuật là nghệ nhân thay vì thợ xăm?

Để được gọi là nghệ nhân sẽ cần trải qua rất nhiều điều. Trước tiên, để trở thành nghệ nhân, bạn cần là 1 người thợ thực tập, rồi mới trở thành thợ chính thức, rồi sau đó xưng danh và có thương hiệu để làm việc với đủ các tiêu chuẩn như: tiêu chuẩn an toàn vệ sinh,  không tạo ra những tác phẩm phản cảm. Sau đó được gọi là artis. Khi một artis vượt qua được thời gian và độ thâm niên trong công việc sẽ được gọi là nghệ nhân, như một nghệ sĩ hội họa vậy

-Anh nghĩ sao về quan niệm chỉ xăm khi có chuyện  buồn? Vậy khi vui thì sao?

Không hề có chuyện đó. Nó tùy thuộc vào biến cố của mỗi người. Hiện giờ những hình xăm cũng thể hiện những niềm vui, sắc thái tươi của cuộc đời. Ví dụ khi con chào đời, mình xăm tên con để ghi nhớ. Hay xăm chữ Mẹ nhân dịp sinh nhật mẹ. Những tình cảm khắc cốt ghi tâm trong cuộc sống đều có thể trở thành cảm hứng xăm. Chứ nó không phụ thuộc là thú vui cho lúc vui – buồn. Và những hình xăm ấy vừa ý nghĩa, vừa quý báu và nó còn được lưu giữ mãi mãi trên cơ thể người xăm.

-Vậy bình thường chi phí cho hình xăm sẽ rơi vào khoảng bao nhiêu?

Tùy thuộc vào sản phẩm và thời gian mà mức chi phí sẽ được tính cụ thể. Vài ba triệu hoặc hơn.

-Có tác phẩm nào lên tới con số mấy ngàn đô chưa?

Có chứ, điều đó khá bình thường.

-Anh đã từng làm cho nghệ sĩ nổi tiếng nào chưa?

Việt Nam thì nhiều, ca sỹ, MCHoàng Phi, Le Huy, Tùng Leo, Khả Như Trần, Mai Quốc Huy, Chế Phong, …

-Ban đầu mẹ anh muốn anh theo nghề sư phạm, sau đó anh theo tattoo, rốt cuộc anh vẫn vừa làm xăm vừa làm giảng dạy. Anh thấy việc này thế nào?

Bản thân tôi cũng đi học rất nhiều để phát triển tay nghề, không chỉ riêng nghề xăm bình thường mà một số thứ liên quan như kỹ thuật phun vi chạm gốc tóc bằng máy xăm… Đến nay, tôi muốn đưa những kiến thức cũng như kinh nghiệm mình có truyền đạt cho những bạn trẻ. Hy vọng các bạn cũng sẽ đam mê nghề như mình vậy.

-Anh điều hành một số group về tattoo và thường xuyên tổ chức các sự kiện, đó có phải là cách để đánh bóng tên tuổi?

Không có chuyện đó. Chúng tôi làm nghề nghiêm túc, tận tâm và đã có những lối đi riêng. Từ lúc theo nghề tới giờ ngoài việc tự rèn luyện kỹ năng, tôi luôn cập nhật các công nghệ mới (từng học không dưới 20 Mastercủa thế giới). Gần đây, tôi đi sâu vào việc cải thiện mái tóc , ví dụ mái tóc người ta bị hói anh sẽ cải thiện bằng kỹ thuật xăm phun của người thầy Đức đưa về, rồi anh mời thầy Do Thái về. Như trong hội thảo PMU 2018 vừa rồi, tôi có  biểu diễn kỹ thuật xăm phun, đó là kỹ thuật tích lũy bởi 15 năm trong nghề, những học hỏi từ những người thầy, những anh chị em trong nghề mới có được.

Yêu nghề nên tôi luôn mong muốn tạo nên một cộng đồng làm nghề phát triển sôi động và có sự kết nối với nhau. Chúng tôi gom tiền túi ra để làm những lễ hội cho giới phun xăm từ những năm 2011-2012.  Khi đó mấy anh em tự làm hết, từ a tới z, khuân vác, bê đồ. Có những sự kiện, chúng tôi còn tự đi mời hàng chục shop tham dự và lập nên nhóm thợ xăm ở Sài Gòn. Chúng tôi có nói với nhau bây giờ mình là những người nghệ sĩ, bảo nhau cố gắng làm đẹp để cho tương lai những người thợ xăm được tốt đẹp hơn.

Sau đó  chúng tôi cũng định hướng về chuyện thiện nguyện nhiều hơn. Tôi xây dựng lên một nhóm chuyên đi thiện nguyện. Vậy tiền đâu để đi thiện nguyện? Bọn tôi dùng chính hình xăm, những tác phẩm mình tạo ra để gây ra 1 cái quỹ. Ví dụ hình xăm trị giá 1 triệu nay còn 3-4 trăm thôi. Mình bỏ công sức ra gom tiền đó và mỗi năm có 1-2 chuyến đi thiện nguyện. Mình chấp nhận bỏ công sức ra làm để có quỹ.

Vậy đấy, những thứ dó là chúng tôi muốn làm, thích làm chứ không hề là đánh bóng gì cả. Nếu muốn đánh bóng chắc chúng tôi đã khoe suốt ngày mình làm được gì cho ngôi sao này, nghệ sĩ nọ rồi.

PV